Chú Thỏ,ềntừtúiphụmenu phúc long là nhân viên hoặc một tình nguyên viên của nhà trường, cầm trên tay tấm biển ghi rõ "DONATE" (Xin hãy đóng góp). Tôi đưa mắt xuống, thấy con và các bạn chạy tới ôm bạn Thỏ, rồi nhanh nhẹn vào lớp. Tôi nhớ ra, đã đến lúc đóng góp cho trường. Năm học mới của con cũng bắt đầu được hơn một tháng.
Trước khi trở thành giáo viên tại một trường trung học công ở San Jose, bang California, Mỹ, tôi là chuyên viên phân tích chương trình cho khối Mẫu giáo và Tiểu học của một học khu (Sở Giáo dục) cùng thành phố. Với 12 năm kinh nghiệm, bao gồm cả nghiên cứu và thực hành, trong ngành giáo dục Mỹ, tôi thấy rõ tầm quan trọng của việc hợp tác giữa giáo dục công với các tổ chức tư nhân và việc đóng góp tài chính từ phía gia đình, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong hệ thống trường học.
Hợp tác công - tư trong giáo dục phổ thông mang đến nhiều lợi ích lớn lao cho xã hội như: nguồn kinh phí cho giáo dục tăng lên; công nghệ cùng các ý tưởng và sáng kiến tiên tiến từ các đơn vị tư nhân được cập nhật và áp dụng nhanh hơn vào quá trình giảng dạy và học tập; cạnh tranh gay gắt giữa các khối trường công - tư thúc đẩy mạnh mẽ việc cải thiện chất lượng và dịch vụ giáo dục; vai trò của các bên liên quan được tối ưu hóa thay vì hoàn toàn trông chờ vào nhà nước... Hình thức xã hội hóa giáo dục này cũng phản ánh nhu cầu và đòi hỏi cần thiết của một xã hội văn minh.
Tôi muốn minh họa bằng cách phân tích một ví dụ cụ thể về việc hợp tác công-tư và đóng góp từ phụ huynh ở trường tiểu học Graystone, California.
Cũng như đa phần trường học ở Mỹ, Graystone đối diện với vấn đề ngân sách hàng năm không đủ. Trường không có kinh phí để thuê thêm giáo viên, mua chương trình tốt hơn, và cải tạo cơ sở vật chất để dạy tốt các môn như Âm nhạc, Giáo dục Cảm xúc Xã hội, Khoa học và Nghệ thuật. Để khắc phục, hội phụ huynh (vai trò chính) và nhà trường (hỗ trợ) đã đảm nhiệm việc quản lý và hợp tác với các tổ chức giáo dục tư, triển khai các chương trình bổ trợ/nâng cao và gây quỹ để đảm bảo mọi thứ được thực hiện tốt từ đầu năm học.
Kinh phí cho các chương trình bổ sung chủ yếu đến từ đóng góp tự nguyện của phụ huynh (chiếm 90%) và các tổ chức trong cộng đồng (10%). Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng không dễ huy động đủ quỹ, vì số lượng quỹ cần đạt không hề nhỏ. Mặc dù nhiều phụ huynh có thể cảm thấy khó khăn và cả khó chịu khi đóng góp, nhưng họ cũng chỉ trì hoãn thay vì từ chối. Tỷ lệ quỹ thu được thường đạt đến 90% con số dự kiến. Tất cả đều dựa trên tinh thần tự nguyện, nhưng số tiền đóng góp thường được gợi ý khá cụ thể. Ví dụ, 395 USD cho một học sinh. Gia đình tôi năm trước có hai cháu học ở trường nên gia đình tôi đã cân nhắc đóng 600, tuy nhiên những gia đình có điều kiện kinh tế tốt thường đóng cao hơn mức gợi ý.
Việc phân bổ nguồn đóng góp (quỹ) cho các chương trình bổ sung được tóm tắt như sau: 5% quỹ cho môn Nghệ thuật; 15% cho môn Nhạc; 24% cho Chương trình Giáo dục Cảm xúc Xã hội; và 18% cho môn Khoa học.
Các chương trình bổ trợ được tích hợp xen kẽ vào chính khóa, đồng nghĩa với việc tất cả học sinh đều có cơ hội hưởng lợi ích.
Ngoài những chi phí trên, quỹ còn được sử dụng để tổ chức các câu lạc bộ, sự kiện, mua sắm thiết bị và đồ dùng cho lớp học, cũng như thanh toán các khoản cần thiết khác.
Giáo dục Việt Nam có thể tham khảo được kinh nghiệm gì?
Tận dụng sự tham gia của các tổ chức tư nhânđể cải thiện chất lượng dạy và học là giải pháp hiệu quả trong khi ngân sách và chất lượng chương trình từ Bộ Giáo dục chưa đáp ứng đòi hỏi và nhu cầu của xã hội. Tương tự Mỹ hay nhiều các quốc gia khác, giáo dục công lập tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc triển khai một số chương trình chất lượng; ví dụ như việc dạy tiếng Anh thông qua môn Toán và Khoa học. Đa phần giáo viên tại các trường thiếu năng lực sử dụng tiếng Anh Toán và Khoa học. Chính vì thế, hợp tác với các tổ chức tư nhân uy tín để triển khai các chương trình học chất lượng này, để số lượng lớn học sinh có thể tiếp cận ngay tại trường, là một giải pháp. Trong tương lai, các chương trình bổ trợ có thể đa dạng hơn, chẳng hạn như chương trình STEM, STEAM, nghệ thuật, thể thao cho học sinh và nhiều chương trình phát triển chuyên môn chất lượng cho giáo viên. Trường học cần được tự chủ hơn trong lĩnh vực hợp tác công tư theo đúng chính sách của nhà nước và của ngành giáo dục.
Làm việc chuyên nghiệp và minh bạch, cùng truyền thông hiệu quả là rất quan trọng. Nhà trường và hội phụ huynh cần tận dụng cơ hội để nâng cao nhận thức của phụ huynh về vai trò của họ. Rằng ngân sách quốc gia dành cho ngành giáo dục hạn chế. Đó là lý do cơ quan quản lý cấp huyện và tỉnh thành không dễ dàng duyệt các đề nghị hỗ trợ khi cơ sở giáo dục địa phương yêu cầu.
Vấn đề của các nhà trường ở Việt Nam là nghiêm túc xem xét lại quá trình lập kế hoạch, tổ chức, thực hiện thu chi một cách chuyên nghiệp. Trong khi tôn trọng nguyên tắc đóng góp tự nguyện, hội phụ huynh và nhà trường nên cải thiện kinh nghiệm gây quỹ. Một khi có quá trình làm việc minh bạch, cộng thêm truyền thông hiệu quả, nhà trường và hội phụ huynh trường sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn trong việc thu hút ủng hộ từ các gia đình và cộng đồng.
Công bằng không có nghĩa là cào bằng.Tôi thấy xuất hiện nhiều ý kiến phản đối đóng góp hoặc thu tiền thêm từ phụ huynh ở Việt Nam. Tuy nhiên, hãy trả lời câu hỏi sau: nếu ngân quỹ không đủ để hỗ trợ các hoạt động nâng cao thì nhà trường và phụ huynh sẽ cam chịu hay cố gắng khắc phục trong khả năng có thể?
Kinh phí cho các chương trình bổ trợ ở trường công ở Mỹ chủ yếu từ đóng góp của các gia đình. Dù một số lượng nhỏ phụ huynh không đóng quỹ hoặc đóng ít hơn số gợi ý, các chương trình này vẫn được tích hợp xen kẽ vào chính khóa, đồng nghĩa tất cả học sinh đều được tham gia. Đây là điểm khác mà ở Việt Nam chưa làm được do chưa đàm phán tốt với các tổ chức giáo dục tư nhân. Và nhà trường chưa có nhiều kinh nghiệm gây quỹ.
Nếu hội phụ huynh và trường không thể đàm phán để toàn bộ học sinh được học với mức kinh phí hai bên đồng thuận, các gia đình thu nhập thấp hoặc chỉ đơn giản không muốn con theo học cũng cần chấp nhận con em họ sẽ không thể tham gia một số chương trình nhất định. Nếu không, họ sẽ kéo theo con em của nhóm các gia đình có điều kiện, hoặc có nguyện vọng được học cũng phải chịu thiệt thòi.
Công bằng không đồng nghĩa với cào bằng mà là tạo điều kiện cho nhiều nhất học sinh được phát triển năng lực với sự hỗ trợ từ nhà trường, gia đình và xã hội.
Việt Nam, Mỹ hay quốc gia nào khác đều có điểm chung: nhu cầu nâng cấp giáo dục là đòi hỏi liên tục và những hạn chế của chương trình giảng dạy công lập không dễ khắc phục nhanh chóng. Hợp tác với tổ chức tư nhân nhờ sự hỗ trợ thiết thực từ gia đình và cộng đồng là một giải pháp linh hoạt. Những cấm đoán cực đoan cần được nhìn nhận lại bằng các phân tích khách quan và với tâm thế bình tĩnh để không vô tình cản bước những giải pháp tích cực cho giáo dục.
Nguyễn Thị Kiều Vân